Người Trung Quốc hiện đứng thứ nhì trong tổng số các bảng huy chương của Thế vận hội, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết được những gì đang xảy ra trong các phương tiện truyền thông của họ. Tất nhiên là có sự hân hoan chúc mừng những vận động viên của đất nước. Tuy nhiên, các màn trình diễn hoàn hảo của các thợ lặn Trung Quốc và việc đạt được những thành tựu ngoạn mục của môn thể dục dụng cụ nam của Trung Quốc đang có nguy cơ bị át đi bởi một loạt những bài bình luận tập trung vào nội dung là các bộ môn thi đấu ấy có ý nghĩa gì cho Trung Quốc như một xã hội và cho vị trí của đất nước này trên thế giới. Một số bài bình luận thì than vãn, một số tức giận và một số khác vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.
Một số người Trung Quốc lo lắng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng về chi phí quá lớn cho một huy chương vàng Olympic. Người ta đã tính toán chi phí tài chính cho hai năm huấn luyện trị giá khoảng 1.57 triệu cho lực sĩ bơi lội đạt huy chương vàng CN Yang. Chẳng phải là một khoản tiền nhỏ trong một đất nước có thu nhập bình quân đầu người vẫn còn chỉ cao nhất ở khoảng $ 7.500. Đồng thời, những câu chuyện của các vận động viên Trung Quốc phải sống xa gia đình của mình trong nhiều năm - phải vắng mặt khi người thân mất đi, đau ốm hoặc không thể có mặt trong những dịp xum họp gia đình - trong các trung tâm đào tạo của nhà nước khiến những người Trung Quốc khác cũng phải đặt câu hỏi là phải chăng cơn điên Huy chương vàng có đáng để hy sinh đời sống thường nhật. Và rồi, chắc chắn, có những người đang lo lắng về áp lực rất lớn đè nặng trên những lực sĩ Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ, chẳng hạn như lực sĩ cử tạ Wu Jingbiao, người khao khát huy chương vàng trong dịp thi đấu của anh, đã rơi nước mắt và xin lỗi đất nước mình sau khi chỉ đạt một huy chương bạc.
Tuy nhiên, thậm chí nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bị chú ý đến những gì mà kinh nghiệm Olympic của Trung Quốc báo hiệu về thứ hạng của đất nước trên thế giới. Như Caixin tường thuật, nhiều người Trung Quốc tin rằng cả thế giới còn lại đã đối xử bất công với các vận động viên của họ chỉ đơn giản vì là người Trung Quốc. Có cơn giận về kết quả huy chương bạc thay vì phải là huy chương vàng của lực sĩ thể dục dụng cụ tuyệt vời Chen Yibing của Trung Quốc; giận dữ hơn về việc các đội cầu lông và đua xe đạp bị loại; và phẫn nộ vì các cáo buộc về doping với lực sĩ bơi lội đoạt huy chương Ye Shiwen.
Một số nhà bình luận cho rằng những trường hợp này đơn giản chỉ là một ví dụ nữa về việc phần còn lại của thế giới đang cố gắng như thế nào để không cho Trung Quốc đạt được vị trí xứng đáng là một quyền lực toàn cầu. Thí dụ như, trong một bài viết trên Toàn Cầu Thời Báo, Qu Xing, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc lập luận, "Không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ gặp phải những tị hiềm và ngay cả những chướng ngại vật bất ngờ trong quá trình vươn lên, như mọi trường hợp trong các lĩnh vực khác." Zhang Yiwu, Giáo sư Đại học Bắc Kinh, tiếp tục giải thích, "Những gì chúng ta có thể làm là hãy cố gắng mạnh mẽ hơn để người khác phải thừa nhận và quen với sức mạnh của chúng ta ... Rất khó thay đổi sự thiên vị của người khác, trong khi chúng ta có thể bảo vệ mình bằng các sự thực".
Những người khác dùng một cách tiếp cận thận trọng hơn. Trong phiên bản nước ngoài của tờ Nhân Dân Nhật Báo, Zhang Yun đã so sánh Thế vận hội với sự tham gia của Trung Quốc vào WTO và IMF để lập luận rằng, "Khi Trung Quốc phát triển, các nghịch âm chói tai sẽ gia tăng. Điều quan trọng là vẫn giữ lập trường, chịu được sự thử thách của thiên vị và lắng nghe được những lời chỉ trích đúng. Đây là một bước khởi đầu quốc tế mà Trung Quốc phải kinh qua để có thể di chuyển theo hướng đổi mới. Ngược dòng lịch sử, tất cả các quốc gia phát triển đều trải qua bước khởi đầu tương tự".
Và một bài xã luận dài trên tờ Thanh Niên Nhật Báo Trung Quốc với tựa đề "Thật chán ngán khi phải theo dõi Olympic với tâm lý là nạn nhân", lập luận rằng Trung Quốc trải qua những gì thực sự không khác với bất kỳ quốc gia nào, vạch ra rằng cả Nam Hàn và Indonesia cũng bị mất hai đội cầu lông nổi tiếng vì cùng lý do như Trung Quốc, và thậm chí những cáo buộc rất xui xẻo chống lại Ye Shiwen về doping đã từng được nghe đến nhiều lần bởi nhiều vận động viên từ nhiều nước khác. Sự tình ấy không làm cho Trung Quốc đúng, nhưng thực đã khiến đất nước này không được có ngoại lệ. Hơn nữa, đội đua xe đạp tranh huy chương vàng của Anh đã bị loại trước đó trong các cuộc tranh tài ở London là đúng chính xác cùng một hành vi vi phạm mà lực sĩ đua xe đạp Trung Quốc phạm phải.
Tờ Nhật báo Thanh Niên Trung Quốc cũng mang đến một sự phê phán sâu sắc về những người nhìn thấy một sự vận động chống lại Trung Quốc đằng sau mỗi huy chương bạc: "Thế vận hội Bắc Kinh chính là sự kiễm tra người Trung Quốc làm một nước chủ nhà ra sao. Sau Thế vận hội Bắc Kinh, tại Thế vận hội London, người Trung Quốc được kiểm tra xem làm thế nào để là một khán giả với một thái độ lịch sự và một tinh thần lành mạnh. Thể thao không phải là chiến tranh, thế giới phương Tây không phải là kẻ thù, lòng yêu nước không che dấu những sai sót của ai và những lời phê bình không phải là tội phản quốc".
Thế vận hội đã tạo cơ hội cho một cuộc thảo luận rộng rãi ở Trung Quốc về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội Trung Quốc và về mối quan hệ của đất nước này với phần còn lại của thế giới. Vào cuối các cuộc thi đấu, chả có gì giải quyết được trong cả hai vấn đề này, nhưng cả hai đều đã là bằng chứng của toàn thể công dân Trung Quốc tham gia sâu sắc trong cuộc tranh luận cởi mở giữa chính mình và với phần còn lại của thế giới. Chính điều này là một thành tựu mà tất cả mọi người nên ăn mừng.
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
------------------
Nguồn: China’s Olympic Debate - Elizabeth C. Economy - The Diplomat
Cuộc tranh luận về Olympic của Trung Quốc
Đăng bởi Unknown vào Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012
Labels:
Chính Trị - Xã Hội,
Trung Quốc
Đăng nhận xét