Một cái chết chất vấn lương tri Việt Nam

Đăng bởi Unknown vào Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Thư Toà Soạn Bán Nguyệt San Tổ Quốc: Thông Tin, Nghị Luận số 141

Ngày 30-7-2012 vừa qua một phụ nữ, bà Đặng Thị Kim Liêng, đã tự thiêu tại Bạc Liêu.

Dù với lý do nào tự sát vẫn là một hành động bi thảm phải được kính trọng và bắt buộc mọi người biết đến phải suy nghĩ. Một người lấy quyết định tự kết liễu đời mình luôn luôn để lại một thông điệp thống thiết bởi vì cái chết không chỉ xóa bỏ một người khỏi cuộc sống, nó đồng thời cũng xoá bỏ xã hội và thế giới đối với một người. Ít nhất nó để lại câu hỏi: xã hội này đã như thế nào để khiến một người phải lấy quyết định kinh khủng đó?

Bán Nguyệt San Tổ Quốc số 141
Nhưng Đặng Thị Kim Liêng không tự vẫn vì chán đời mà để đấu tranh cho đời. Bà tự vẫn để phản đối sự vô lý và bất công. Việc bà kiện cáo vì bị mất đất và không được giải quyết chỉ là một chuyện nhỏ, cùng lắm chỉ là giọt nước làm tràn ly. Nỗi uất ức của bà to lớn hơn nhiều. Đó là vì con gái bà, chị Tạ Phong Tần, đã bị bắt giam vô cớ từ gần một năm qua và sắp bị đem ra tòa để xét xử một cách tùy tiện, thô bỉ. Tạ Phong Tần, theo chính cáo trạng của nhà nước CSVN, chỉ có tội đã lập blog Sự Thật và Công Lý, để nói lên sự thực và để đòi công lý. Chính quyền cộng sản đã không hề chứng minh Tạ Phong Tần đã xuyên tạc những gì hay đã vu khống ai mà chỉ cáo buộc chị là đã tuyên truyền chống nhà nước. Nhưng khi nói lên sự thực và đòi công lý cũng là tuyên truyền chống nhà nước thì nhà nước đó là nhà nước loại nào? Đặng Thị Kim Liêng đã tố cáo đích danh, và một cách khốc liệt, thủ phạm đã khiến bà phải dùng cái chết để bày tỏ sự oan ức. Bà đã tự vẫn ngay trước trụ sở tỉnh bộ đảng cộng sản tỉnh Bạc Liêu và đã chọn cách gây chấn động nhất : tự thiêu. Bà muốn thét lên với nhân dân Việt Nam và thế giới sự phẫn nộ.

Trước một thảm kịch như thế trong bất cứ một quốc gia bình thường nào chính quyền cũng phải giải thích và truy cứu trách nhiệm, các dân biểu và nghị viên địa phương cũng phải là những người đầu tiên có mặt để chia sẻ nỗi đau của gia đình nạn nhân và cố gắng giải tỏa sự oan ức của người quá cố. Nhưng chính quyền cộng sản đã chỉ sách nhiễu gia đình và ngăn cản đám tang, nó không phải là một chính quyền của dân; các đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân đã hoàn toàn vắng mặt, họ chỉ là những kẻ mạo danh, những tay sai của bộ máy áp bức. Ai có thể chấp nhận chính quyền này?

Cách đây một năm rưỡi, tại thị trấn Sidi Bouzid, nhỏ bằng một phần tư thành phố Bạc Liêu, trong nước Tunisia, anh Bouazizi, một thanh niên nghèo khổ bán rau bị công an mắng chửi, đã uất ức tự thiêu. Hành động tuyệt vọng phẫn nộ của anh đã khởi động cả một phong trào phản kháng làm sụp đổ chế độ Ben Ali nổi tiếng tàn bạo. So với Bouazizi bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu với lý do nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng tại sao sự hy sinh của bà, mà hàng chục triệu người đã biết và xúc động, đã không đưa tới một hành động đáng kể nào? Đặng Thị Kim Liêng đang chất vấn lương tri Việt Nam.

Không phải chúng ta khiếp nhược mà chỉ vì chúng ta bất lực. Và chúng ta bất lực vì chúng ta chỉ là một khối 90 triệu người cô đơn. Chúng ta thiếu văn hóa tổ chức và không có tổ chức. Chúng ta không hiểu rằng cuộc đấu tranh đổi đời nào cũng chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Sự bất lực sẽ chỉ chấm dứt khi những trí thức không tham gia một tổ chức nào cảm thấy xấu hổ.

Ban biên tập Tổ Quốc

Mời quý vị độc giả bấm vào đây để xem toàn bộ Bán Nguyệt San Tổ Quốc số 141 ngày 18-8-2012

Share this post :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Trang Thông Tin Việt Nam - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger |2012 Templates