Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Victoria Nuland. (Hình: Massoud Hossaini/AFP/Getty Images) |
Sau các sự kiện căng thẳng gia tăng tranh chấp Biển Ðông giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, Dương Khiết Trì công du Indonesia, Malaysia và Brunei vận động sự hậu thuẫn lập trường của Bắc Kinh.
Báo chí Trung Quốc chỉ thuật lời ông ta nói đến những sự tốt đẹp của sự hợp tác song phương và khối ASEAN nói chung nhằm “duy trì hòa bình và ổn định khu vực, quảng bá lòng tin cậy lẫn nhau và thức đẩy phát triển kinh tế.”
Tin tức quốc tế nói ông Trì tuyên bố Trung Quốc sẽ hợp tác với ASEAN để đạt đến một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Ðông để tránh xung đột võ trang.
Báo chí Bắc Kinh cũng thuật lời ông hậu thuẫn một ASEAN đoàn kết, thống nhất và tuyên truyền rằng “bất cứ sự nỗ lực cố ý nào nhằm bôi nhọ vai trò tích cực của Trung Quốc nhằm duy trì sự thống nhất của cả khối khu vực sẽ bị thất bại.”
Nhưng trên thực tế, như một bản phân tích của thông tấn xã Reuters đã nêu ra, chuyến đi của Dương Khiết Trì chỉ là đem một ít mồi ra nhử để 3 nước nói trên đừng chống lập trường Trung Quốc. Nhờ đó Trung Quốc đẩy Việt Nam và Philippines vào thế bị cô lập, dễ cho Bắc Kinh khống chế.
Cái chiến thuật xúi bẩy phân hóa của Bắc Kinh nhờ một ASEAN chia rẽ người ta đã thấy ở kỳ họp cấp ngoại trưởng ở Phnom Penh đầu tháng 7 vừa qua khi tổ chức 10 nước này không ra nổi một bản tuyên bố chung trong suốt lịch sử thành lập 45 năm.
Dù có gần 20 đề nghị sửa đổi khác nhau về từ ngữ có dính tới Biển Ðông do Việt Nam và Philippines đề nghị vẫn không được nước chủ nhà Cambodia (chủ tịch luân phiên ASEAN) đồng ý cho vào, theo áp lực của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo thường lệ ở Bộ Ngoại Giao, thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, bà Nuland khi được một ký giả đặt câu hỏi có vẻ như ông Dương Khiết Trì đạt được một vài tiến bộ trong chủ trương chỉ thảo luận song phương với các nước tranh chấp, liệu các nỗ lực ngoại giao đàm phán đa phương vẫn còn diễn ra hay không? Bà cho rằng, “Chúng ta cần các cuộc đàm phán song phương để tăng cường cho các cuộc đàm phán đa phương.” Nhưng bà cho rằng sẽ không thành công nếu các nước tuyên bố chủ quyền không “ngồi trong một căn phòng và thỏa thuận một Bộ Quy Tắc Ứng Xử.”
Bản đồ Biển Ðông nằm trong phạm vi “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc muốn chiếm trọn. (Hình: Internet) |
“...Ngoại giao song phương là để hậu thuẫn cho các thỏa thuận đa phương sẽ là điều tốt. Chúng ta đã thường thực hiện điều này khi chúng ta đàm phán các thương thuyết đa phương to lớn. Chúng ta có gắng hợp tác với riêng từng nước để hậu thuẫn cho đa phương. Nhưng một chiến lược chia rẽ và chinh phục (divide-and-conquer strategy) sẽ không phải là điều tốt.” Bà Nuland nói như vậy, ám chỉ hành động gây chia rẽ của Bắc Kinh để thủ lợi.
Theo bà, các căng thẳng ở Biển Ðông đang gia tăng, Hoa Kỳ muốn thấy “một thỏa hiệp hợp với nhu cầu của các bên tranh chấp.”
Báo chí Bắc kinh lập lại nhiều lần cái lập trường và cái “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh là muốn nuốt hết Biển Ðông trong cái vòng “Lưỡi Bò” bất chấp quyền lợi và sự công bằng đối với các nước khác.
Một mặt kêu gọi đoàn kết, hợp tác với ASEAN nhưng hai ngày trước, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Bắc Kinh khoe và đe dọa rằng Trung Quốc sẽ dùng mọi thủ đoạn, đòn phép kể cả chính trị, kinh tế và quân sự để cướp trọn Biển Ðông.
Bắc Kinh một mặt đả kích Mỹ chen vào tranh chấp Biển Ðông, kêu gọi đoàn kết ASEAN với Trung Quốc nhưng vẫn không ngần ngại che dậy dã tâm bá quyền nước lớn. Báo chí Bắc Kinh từng hé lộ cho thấy nếu các nước ASEAN không chấp nhận cái “Lưỡi Bò” là của Trung Quốc, sẽ không có Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Ðông.
Ðầu tháng 8 vừa qua, cả Thượng Viện và chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng chống các hành động Trung Quốc tạo thêm căng thẳng trên Biển Ðông, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ từ triệu viên chức ngoại giao Mỹ tới phản đối đến cho báo chí mạt sát Mỹ đừng có xía vào. (TN)
Theo Ngươi Việt
Đăng nhận xét